Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

The Bridge People No Longer Cross

Ảo Tưởng Hương, một vùng đất viễn tưởng ẩn chứa những đau thương

Tác giả: Kalash, Tenko

Bài viết số 1: Cây Cầu Không Người Qua Lại.

________________________________________________________

Ở Gensoukyou, nằm dưới lòng đất là cả một thế giới ngầm, nơi đây từng là Địa Ngục, nơi những Diêm Ma từng sống, phán xét những linh hồn người chết. Tuy nhiên, do dân số dưới Địa Ngục quá đông, những Diêm Ma đã di dời sang khu vực khác, những Youkai sinh sống nơi đây cũng theo Diêm Ma, bỏ lại một thành phố ngầm, một cung điện và một hỏa lò. Về sau, những oni đã di cư và sinh sống nơi Cựu Đô, chị em Komeiji cùng với thú nuôi mình tiếp quản Địa Linh Điện.

Nằm gần mặt đất có một cây cầu, cây cầu duy nhất dẫn đường xuống Cựu Địa Ngục. Và dưới cây cầu ấy, một cô gái với nước da trắng, mái tóc ngắn vàng hoe và đôi mắt màu xanh lục hằng ngày ngồi ngóng trông.

Sứ mạng của cô là trông coi cây cầu, bảo vệ những người đi qua nó. Nhưng từ khi Diêm Ma rời đi, cây cầu này không còn ai đặt chân đến.

Cô gái ấy là Mizuhashi Parsee. Theo lời Patchouli Knowledge, cô là một người gốc Ba Tư. Điều đó một phần nào có thể giải thích được dáng dấp ngoại lai của mình.

Cũng như mọi ngày, Parsee vẫn ngồi buồn chán cạnh cây cầu, đôi mắt vẫn như đang tìm kiếm, trông chờ. Nhưng chờ ai, chờ cái gì, cô lại không muốn nói ra.

Hơn hết, trong lòng cô lúc này ngập tràn đố kị. Mọi người, mọi vật đều làm cô ghen tức, có những lý do ghen tức rất bình thường như: “Sao nó đẹp hơn mình”, nhưng cũng có những lý do lạ thường như: “Sao nó không ghen tị với mình”.

Người thường nhìn vào sẽ thấy cô rất lạ lùng, vì ghen tị với những người có hoàn cảnh đẹp hơn lẫn xấu hơn bản thân cô. Nhưng, biết làm thế nào, khi cô là một Hashihime, một Youkai tạo từ sự đố kị.

Parsee ở đã ở đây bao lâu? Không ai biết, không ai nhớ, chỉ biết rằng cô đã ở đây từ trước khi các Diêm Ma rời khỏi địa ngục, trước khi Đại Kết Giới Hakurei được dựng lên, trước khi tộc Oni bị đánh đuổi khỏi Núi Youkai và xuống sinh sống ở Cựu Đô này. Chỉ có hai người biết, là vị Diêm Ma đã đày cô xuống đây, và chính bản thân cô.

________________________________________________________

Parsee từng là một con người, con gái duy nhất của một lái buôn người Ba Tư, lúc ấy đang sinh sống và kinh doanh tại vương quốc Ayutthaya (Thái Lan ngày nay). Vào khoảng thế kỉ XVII, khi được tiếp xúc với cộng đồng người Nhật ở Ayutthaya, họ đã quyết định dong buồm đến Nhật. Cuộc hành trình gian khổ, nhưng họ đã thành công.

Nhưng với số lượng hàng hóa lớn, gia đình Parsee đã trở thành mục tiêu của một băng đạo tặc. Sau hai tuần thăm dò và theo dõi, bọn chúng đã tấn công. Cha mẹ cô đã chống trả kịch liệt, nhưng cũng chết dưới lưỡi kiếm tàn độc của chúng. Toàn bộ số hàng hóa bị chúng cướp. Chỉ có Parsee sống sót và trốn thoát.

Cuộc sống nơi đất khách quê người thật không dễ dàng đối với một cô gái tuổi mười lăm. Cô lang thang, phiêu bạt khắp nơi, từ làng này sang thôn nọ, để cuối cùng bị xua đuổi vì mái tóc vàng hoe và cặp mắt xanh lục.

Kiệt quệ sau những tháng ngày lưu lạc, Parsee đã gục ngã.

Nhưng có vẻ trời đã rủ lòng thương xót cô. Một gia đình nông dân nọ đã mang cô về cưu mang, chạy chữa. Từ đây, cô như được tái sinh, như được ban thêm một cơ hội mới, một cuộc sống mới.

Cuộc sống nơi đất khách không phải là một điều dễ dàng. Hai trở ngại lớn nhất của Parsee chính là rào cản văn hóa và đời sống. Để giao tiếp, Parsee chỉ biết dùng bàn tay của mình để ra hiệu. Rồi việc ăn ở, cày cuốc, tất cả đều hoàn toàn xa lạ với con gái một lái buôn giàu có như cô.

Và trên hết, Parsee luôn phải sống trong sự kì thị của người làng, chỉ vì mái tóc vàng và đôi mắt xanh lục của mình.

Nhưng Parsee vẫn cố gắng. Mỗi ngày, cô luôn tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để giao tiếp với ba mẹ nuôi. Một tháng sau, cô có thể đối đáp một cách trôi chảy các câu đối thoại thường nhật. Và tiếp đó hai tháng, cô có thể viết được bằng hiragana những suy nghĩ của mình. Và một năm sau, không ai có thể nhận ra Parsee là một người gốc ngoại nếu không có mái tóc và đôi mắt dị thường của mình.

Năm 20 tuổi, một thanh niên đã đem lòng yêu nàng. Parsee cũng đáp lại tình cảm ấy. Cả hay hẹn ước với nhau, chờ ngày lành tháng tốt làm hôn lễ.

Vào khoảng thời gian nàng sống, Nhật Bản bước vào những năm cuối của thời kỳ Chiến Quốc, hoặc là Sengoku Jidai trong tiếng Nhật, với trận Vây hãm Osaka đánh dấu cái kết của thời kỳ máu đổ đầu rơi, xương chất thành núi, máu chảy thành sông này. Dù thế, những cuộc chiến tranh, những cuộc nổi loạn vẫn nổ ra, điển hình trong số đó là Loạn Shimabara, một cuộc khởi nghĩa của nông dân, của các lãng sỹ và của các tín đồ Công Giáo chống lại viên chỉ huy Matsukura Shigeharu.

Người tình nhân của Parsee vì thế mà khăn gói lên đường nhập ngũ để đàn áp cuộc khởi nghĩa này. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt từ hai phía, song với lực lượng áp đảo, cùng với sự hỗ sợ của hai chiến hạm Hà Lan do Nicolaes Couckebacker chỉ huy, quân khởi nghĩa của Amakusha Shiro bị đánh bại ít lâu sau đó.

Chàng trai kia, sau khi lập được những chiến công, đã được trọng thưởng. Đắm chìm trong danh vọng và tiền tài, anh đã quên đi lời hẹn ước hôm nào. Ngày qua ngày, hình bóng người con gái Ba Tư ngày xưa anh thầm yêu giờ đây chỉ là một hạt bụi trong ký ức.

Hai năm sau ngày chàng trai lên đường chinh chiến, cha mẹ nuôi của Parsee qua đời trong một mùa đông lạnh giá. Parsee gần như suy sụp. Cô nắm lấy lời thề hẹn ước ngày xưa như một tia sáng lẻ loi cuối cùng soi sáng cuộc đời mình, để rồi thất vọng khi thấy người tình nhân trở về với một thiếu nữ xinh đẹp khác.

Lúc ấy, ngọn lửa hờn ghen đã cháy bùng trong trái tim nàng, nuốt trọn tất cả mọi lý trí. Trong cơn cuồng điên, cô lao vào chém chết cả người thanh niên cùng vợ mình trong một đêm trăng tròn mùa thu, khi cả hai đang trên một cây cầu bắc ngang một dòng sông thơ mộng. Parsee bị chém đầu ít lâu sau đó, vởi chiếc đầu cô được cắm ở đầu làng như một lời răn đe.

Nhưng mọi chuyện chua kết thúc. Vì không thể siêu thoát với một mối hận thù to lớn, oan hồn cô đã ám ngôi làng. Tròn một năm sau ngày cô bị chém đầu, ngôi làng bị thiêu rụi trong một ngọn lửa màu xanh lục ma quái. Tất cả người làng đều bị thiêu sống trong cơn hoả hoạn kinh hoàng đó. Chỉ có một thứ mà ngọn lửa không hề động đến, đó chính là chiếc cầu nghiệt ngã, chính là chiếc cầu mà mỗi khi một đôi tình nhân đứng trên cầu soi ảnh xuống dòng sông êm đềm, họ thấy hình bóng của một cô gái với mái tóc hoe vàng và đôi mắt xanh đang nhìn họ với cặp mắt thù hận.

Đó chính là cây cầu mà người đời gọi là “Cây cầu không người qua lại”.

Linh hồn của người con gái Ba Tư ấy bị áp giải xuống địa ngục nhận phán quyết cuối cùng ít lâu sau đó, và trở thành một kiều cơ canh giữ bản sao của chiếc cầu nghiệt ngã kia, nối đôi bờ giữa dương gian và địa ngục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét